23.3.11

Cá tra VN được nuôi như thế nào?


Cá tra VN được nuôi như thế nào?

2011-03-23
Cá tra là nguồn lợi thuỷ sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên vừa qua, sản phẩm cá tra của Việt Nam gặp phải một số trở ngại.
Photo courtesy of nongnghiep.vn
Một ao nuôi cá tra vùng ĐBSCL
Mặc dù không nằm trong danh sách đỏ của tổ chức WWF, nhưng một số tổ chức ở Châu Âu đang có những đánh giá bị cho nhằm tạo một tâm lý “ác cảm” cho người tiêu dùng đối với việc nuôi cá tra ở Việt Nam.
Cá tra Việt Nam hiện đang là sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng Châu Âu ưa chuộng do chất lượng ngon, giá cả phải chăng so với một số loại thủy hải sản khác.    
Sau sự việc Tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ở 6 nước EU phải rút tên cá tra Việt Nam khỏi danh sách đỏ. Thì mới đây báo chí Đan Mạch lại còn cho rằng, ngành nuôi cá tra Việt nam hủy hoại môi trường tự nhiên – nông dân nuôi cá tra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long xả chất thải làm ô nhiễm dòng Mê Kông, và các cơ sở nuôi cá tra xuất khẩu ở Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trước những dư luận này, thực hư của vấn đề nuôi cá tra ở Việt Nam như thế nào? 

Nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế 

Tỉnh An Giang là một trong những địa bàn trọng điểm có diện tích nuôi cá tra lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo Hiệp Hội Chế biến Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, VASEP, các hộ nông dân nuôi cá tra xuất khẩu đã áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế trong việc sản xuất và chế biến cá tra từ năm 2004, và hiện nay các mô hình nuôi cá tra công nghiệp đang được nâng cấp lên các tiêu chuẩn cao hơn. 
Bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám Đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tỉnh An Giang, kiêm Chủ tịch Hiệp Hội Nghề Nuôi và Chế biến Thuỷ sản An Giang, cho biết tình hình nuôi cá tra xuất khẩu của tỉnh nhà như sau:  
“Đối với con cá tra, vì đó là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, do đó thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nào thì mình đều thực hiện theo tiêu chuẩn chất lượng đó. Và bây giờ các doanh nghiệp chế biến cá tra, tự lo vùng nuôi, mà các vùng nuôi đều được xây dựng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đơn vị thứ ba đánh giá và công nhận vùng nuôi đạt tiêu chuẩn, nghiã là có tính đến vấn đề đánh giá mối nguy, và có thể truy xuất được nguồn gốc của những mối nguy để tránh được những vấn đề đó.”
Đối với con cá tra, vì đó là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, do đó thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nào thì mình đều thực hiện theo tiêu chuẩn chất lượng đó.
Bà Phạm Thị Hòa
Chủ tịch Hiệp Hội Nghề Nuôi và Chế biến Thuỷ sản An Giang, giải thích thêm về vấn đề kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng của vùng nuôi cá tra:
“Khi đánh giá, công nhận vùng nuôi đạt tiêu chuẩn, có cơ quan thứ ba đánh giá chớ đâu phải là tự mình đánh giá, về phiá mình thì mình thực hiện theo tiêu chí quốc tế và hướng dẫn của họ. Cũng có các nhà tư vấn quốc tế của các doanh nghiệp vào tư vấn cách làm, rồi cũng có đơn vị thứ ba công nhận cho mình chứ không phải tự mình công nhận đâu.”         
catra250.jpg
Tượng đài cá Tra được vinh danh tại công viên ở Thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. RFA photo
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, bà Phạm Thị Hoà, cho biết chủ trương của Tỉnh An Giang như sau:  
“Hướng dẫn cho bà con nuôi cá tra bảo đảm vấn đề môi trường, biết phải xử lý môi trường ra sao. Vả lại ở Việt Nam, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có Cơ quan Quan trắc Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh quan trắc môi trường định kỳ, hàng tháng, hàng quý, và gởi báo cáo về cho các cơ quan quản lý nhà nước để nắm tình hình môi trường để có khuyến cáo.
Sở Tài nguyên Môi trường của Tỉnh cũng có quan trắc về môi trường ở những vùng nuôi cá tra tập trung để đánh giá chất lượng môi trường để có khuyến cáo. Thành ra về phiá chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp, hay là đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở  điạ phương, vấn đề đánh giá chất lượng môi trường nuôi cá tra được thực hiện thường xuyên. Rồi đến vấn đề kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra, thì Bộ cũng chỉ đạo liên tục của. Và ở đây vấn đề thanh tra, kiểm tra cũng được làm rất thường xuyên.”                 
Trước dư luận cho rằng việc nuôi cá tra ở Việt Nam không hợp tiêu chuẩn vệ sinh. Bà Phạm T Hòa giải thích: 
“Đối với việc nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long, thì bây giờ là đã đi vào chất lượng, không còn phát triển theo số lượng nữa. Qua đợt khủng hoảng năm 2008 về vấn đề cung cầu, thì bây giờ diện tích nuôi cá tra của An Giang nói riêng, và của đồng bằng sông Cửu Long nói chung giảm chớ không tăng, và đã đi và chất lượng cả rồi. Thành ra vấn đề môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản, hiện giờ Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cũng đã thực hiện rất nhiều giải pháp trong vấn đề môi trường đối với việc nuôi cá tra.”    
Ông Nguyễn Tử Cương, Uỷ viên Thường Trực Hiệp hội Nghề Cá Việt Nam, nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho hay, Việt Nam sắp ban hành Bộ Quy chuẩn mới cho ngành Thuỷ sản dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp quốc.    

Xây dựng thương hiệu cá tra VN 

Phó Giám Đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tỉnh An Giang cũng cho biết, nhiều tổ chức nước ngoài đã đến Tỉnh An Giang để tham quan khảo sát ở một số vùng nuôi và nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra. Sau khi đến làm việc các đoàn đã phát biểu là, qua thực tế khảo sát những thông tin mà họ có trước kia là không đúng. Bà Phạm Thị Hoà nói thêm: 
“Chính phủ sẵn sàng hợp tác với các tổ chức, còn đứng về góc độ của Bộ Nông nghiệp, thì hồi nào đến giờ mình theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Việt nam cũng đang chuẩn bị để sắp tới xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam đối với cá tra. Thì mình cũng sẽ trao đổi với các nơi nhập khẩu cá tra về vấn đề tiêu chuẩn để liên thông tiêu chuẩn, khi xây dựng tiêu chuẩn của cá tra Việt Nam. 
agroviet-250.jpg
Một nông dân đang cho cá tra ăn. Photo courtesy of agroviet
Thí dụ như theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu mà Việt Nam chưa xây dựng điểm đó thì mình sẽ làm thêm điểm đó thôi, chứ không phải làm lại từ đầu. Hiện giờ Bộ Nông nghiệp cũng đang xây dựng tiêu chuẩn cho cá tra Việt Nam, mà tiêu chuẩn này cũng liên thông với các tiêu chuẩn qúôc tế trên thế giới, nhất là ở các nước nhập khẩu.
Thành ra, nếu các tổ chức, đơn vị tư vấn, hay các tổ chức quốc tế đến Việt nam để hợp tác, làm việc về vấn đề này thì thường qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hết. Từ Bộ đưa xuống thì các Tỉnh cũng sẳn sàng hợp tác với các tổ chức này. Hiện giờ có một Tiến sĩ người Ấn độ của tổ chức WWF đang đi khảo sát ở An Giang trong vấn đề nuôi cá tra như thế nào, sử dụng thức ăn ra sao, môi trường ra sao với lịch làm việc đến cả tuần lễ.”  
Trước đây WWF đã từng cho rằng việc khai thác cá tra quá mức hiện nay do nhu cầu xuất khẩu sẽ làm cho nguồn lợi bị cạn kiệt. Về điểm này Phó Giám đốc Phạm Thị Hoà giải thích như sau:
“Con cá tra đã được sinh sản nhân tạo từ rất lâu rồi, chớ không còn khai thác trên sông Mekong. Ngày xưa cá tự nhiên trên sông Mekong nhiều nên bà con khai thác, đánh bắt hàng năm. Lúc đó thì Việt Nam chưa xuất khẩu con cá tra. Nhưng sau này khi xuất khẩu thì cá tra được thị trường ưa chuộng, nên có nhu cầu. Từ đó mình mới phối hợp với một số cơ quan quốc tế nghiên cứu để sinh sản nhân tạo cá tra, và đã làm thành công từ mười mấy, hai chục năm nay rồi. 
Thì như vậy đâu có vấn đề khai thác con cá tra mà đi đến việc huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên. Về vấn đề này thì vừa qua WWF đã đi khảo sát và cũng thấy rằng những điều đó không đúng với thực tế của An Giang nói riêng và của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Việt nam cũng đang chuẩn bị để sắp tới xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam đối với cá tra. Mình sẽ trao đổi với các nơi nhập khẩu cá tra về vấn đề tiêu chuẩn để liên thông tiêu chuẩn.
Bà Phạm Thị Hòa
Hiện giờ tổ chức WWF cũng tiếp tục đến An Giang để đi nghiên cứu vấn đề cá tra được nuôi như thế nào, bà con sử dụng thức ăn cho cá ra sao. Về mặt Tỉnh thì sẵn sàng tiếp nhận các cơ quan, tổ chức nào muốn tìm hiểu, vì mình làm thiệt mà.”    
Theo Hiệp Hội Chế biến Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, VASEP cá tra Việt Nam, với tên gọi Cat Fish hiện đang chiếm đến 95% nguồn cá tra thương phẩm trên thế giới, với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn/năm. VASEP cũng đưa ra số liệu báo cáo cho thấy trong năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu trên 540 triệu tấn cá tra đạt giá trị hơn 1,200 triệu đô la.     
Do vậy những thông tin thiếu khách quan, hay chưa cập nhật của báo chí nước ngoài về cách nuôi cá tra của Việt Nam, rõ ràng có phần “ác ý”, như cố tạo sự ác cảm đối với người tiêu dùng về hình ảnh con cá tra Việt Nam.
Tuy nhiên, các ngành chức năng trong nước cần phổ biến các thông tin về ngành sản xuất và chế biến cá ở Việt Nam để người tiêu dùng hiểu rõ về sản phẩm.   

Không có nhận xét nào: