23.3.11

Nước ngầm ở Việt Nam ô nhiễm nghiêm trọng


Nước ngầm ở Việt Nam ô nhiễm nghiêm trọng

2011-03-23
Một nghiên cứu mới đây về nước ngầm tại đồng bằng sông Hồng cho thấy nguồn nước ngầm ở miền Bắc Việt Nam bị nhiễm thạch tín và Mangan ở mức độ rất cao, gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.
AFP photo
Một góc của một tòa nhà năm tầng khu dân cư ở Hà Nội, nơi hàng trăm đường ống nước được lắp đặt để bơm nước từ bể ngầm công cộng lên đến căn hộ.

Mức độ ô nhiễm 

Hồi tháng 1 vừa qua, một báo cáo về nguồn nước ngầm ở khu vực đồng bằng sông Hồng của các chuyên gia quốc tế cho thấy những con số đáng ngại bởi mức độ ô nhiễm khoáng chất rất cao trong khi rất nhiều người dân ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện đang sử dụng nước ngầm trong các sinh hoạt hàng ngày.
Các chuyên gia đã thu thập mẫu từ 512 giếng đào trong khu vực để phân tích các chất asen, mangan, và các chất độc khác như selen và bari. 
Tạp chí the National Academy of Science trích lời các chuyên gia nghiên cứu cho biết có đến 44% số giếng nước được lấy mẫu tại khu vực đồng bằng sông Hồng bị nhiễm mangan vượt quá mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới. Có đến 27% số giếng có mức asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Theo tổ chức Y tế thế giới, nước nhiễm hơn 10 microgram asen trên một lít nước bị coi là không an toàn. Những người bị nhiễm asen lâu dài, sẽ tích lũy chất này trong da, tóc, móng tay và dẫn đến biến màu ở da, cao huyết áp, thậm chí có thể gây ung thư da, phổi, mật và thận.
Tác hại và hiện trạng nhất là bà con ở tỉnh Hà Nam, một số xã thuộc tỉnh Hà Nam thì có vậy, bà con ở đây bị chân tay lở loét.
Giáo sư Trần Hiếu Nhuệ
Ông Michael Berg, trưởng nhóm nghiên cứu cho hãng tin Reuters biết là có khoảng 7 triệu người bị coi là có nguy cơ nhiễm asen lâu dài. Và điều này là hết sức đáng ngại vì nước ngầm là nguồn nước uống chính ở đồng bằng sông Hồng.
Giáo sư Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng viện nước và công nghệ môi trường thuộc trường đại học xây dựng, người đã có nhiều năm tham gia các nghiên cứu về nước ngầm trong khu vực thừa nhận:
"Tác hại và hiện trạng nhất là bà con ở tỉnh Hà Nam, một số xã thuộc tỉnh Hà Nam thì có vậy, bà con ở đây bị chân tay lở loét."
Năm 2005, UNICEF đã tiến hành khảo sát nước ngầm vùng Hà Nam cho thấy mức ô nhiễm ở một số xã đã gấp từ 100 đến 500 lần tiêu chuẩn cho phép.
Các bệnh về da của người dân tại đây chiếm hơn 28% so với mức trung bình toàn quốc vốn ở mức là 3 đến 5%.
Giáo sư Đoàn Văn Cánh, Chủ tịch hội địa chất thủy văn Việt Nam cho biết nước ngầm ở một số vùng của Việt Nam nhiễm một số chất như asen và mangan có dấu hiệu vượt quá giới hạn tiêu chuẩn Việt Nam  dành cho nước uống và sinh hoạt. Tuy nhiên những nhiễm bẩn này vẫn chưa phổ biến và chưa đến lúc trầm trọng. Ông giải thích:
"Những vùng ở Việt Nam nhiễm asen không đáng kể và người ta loại bỏ nước đấy luôn chứ chưa xử lý. Các khu vực kiểm nghiệm ở phía nam Hà Nội thì người ta thấy có cao nhưng thực ra không phải vậy, vẫn có thể sử dụng được. Người ta chỉ thấy hàm lượng tăng lên chút ít thôi. Người ta lấy địa tầng thấp. Ví dụ phía trên nhiễm asen thì người ta lấy sâu hơn."

Nguyên nhân ô nhiễm 

Nguyên nhân ô nhiễm nước ngầm theo các chuyên gia quốc tế trong nghiên cứu mới đây tại miền Bắc chủ yếu là do thói quen sử dụng giếng lâu nay của người dân đã khiến chất asen ngấm sâu xuống đất. 
binh-dinh-vfej-250.jpg
Một giếng nước ở Bình Định. Photo courtesy of vfej
Tiến sĩ Ngô Đình Tuấn, thuộc trường đại học thủy lợi giải thích:
"Đào không có nước, đôi khi vô ý không lấp, nước bẩn tràn vào, ngấm xuống tại chỗ đó. Vì khi mình đào như thế thì mình cứ để như thế, khoan không có nước cứ để trống như thế, thì nước bẩn chảy xuống, làm cho nó ô nhiễm." 
Tuy nhiên theo theo thông tấn xã Việt nam trích lời bà Trần Thị Huệ, trưởng phòng quản lý quy hoạch và khai thác tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường thì việc nhiễm asen và mangan trong nước ngầm tại Việt Nam không có nguyên nhân từ con người, mà do bản chất trong trầm tích đất đá có chứa các chất đó. 
Hiện nước ngầm cung cấp đến 40% nhu cầu nước sinh hoạt đô thị và từ 70 đến 80% nước sinh họat nông thôn ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê đến năm 2006 của Bộ Y tế thì hiện chỉ có khoảng 60% dân số Việt Nam được tiếp cận với nước sạch và nước hợp vệ sinh. Trong chiến lược quốc gia mà Việt Nam đề ra thì đến năm 2020 sẽ đạt con số 100% người dân được tiếp cận với nước sạch và nước hợp vệ sinh. 
Để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam cần phải giải quyết được vấn đề xử lý nước ngầm ô nhiễm, mà điều này thì theo giáo sư Trần Hiếu Nhuệ còn gặp nhiều khó khăn. Ông cho biết một số vùng bà con đã được tiếp cận nước sạch do có thiết bị xử lý nước phù hợp nhưng một số vùng vẫn chưa thể.
Đào không có nước, đôi khi vô ý không lấp, nước bẩn tràn vào, ngấm xuống tại chỗ đó, làm cho nó ô nhiễm. 
Tiến sĩ Ngô Đình Tuấn
"Một là đắt, rồi cơ chế đầu tư có vấn đề. Đối với hộ nông thôn thì có mức sống thấp, thứ hai là về mặt dân trí thì nếu có thiết bị rồi, tất cả các dự án đều chuyển giao công nghệ, nhưng ý thức của con người sử dụng cũng chưa tuyệt vời, nên ở nơi này nơi khác còn có vấn đề."
Ông Đoàn Văn Cánh cho biết tại nhiều vùng người dân đã dùng các biện pháp lọc nước bằng cát. Cách làm này rẻ và có thể loại bỏ được sắt và mangan nhưng lại không thể loại bỏ được asen. Chi phí để lắp đặt các thiết bị lọc asen hiện vẫn còn cao so với thu nhập của nhiều người dân nông thôn Việt Nam, đòi hỏi phải có hỗ trợ từ nhà nước hoặc các dự án nước ngoài. 
Cho đến giờ vẫn còn nhiều tranh cãi giữa các cơ quan về mục tiêu mà chính phủ  đề ra là 100% người dân có nước sạch vào năm 2020 có khả thi hay không. Theo giáo sư Trần Hiếu Nhuệ thì với điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, nếu Việt Nam có thể đạt từ 90 đến 95% dân số được tiếp cận với nước sạch đến năm 2020 thì cũng là tốt lắm rồi.  

Không có nhận xét nào: