11.6.11

‘Cần giải quyết trên cơ sở luật quốc tế’


‘Cần giải quyết trên cơ sở luật quốc tế’

Cập nhật: 10:40 GMT – thứ bảy, 11 tháng 6, 2011
BBC
 Nhân sự kiện Hải quân Việt Nam thông báo tập bắn đạn thật vào thứ Hai và thứ Ba tuần tới ở vùng biển Quảng Nam tiếp sau các diễn biến của hai vụ Trung Quốc bị Việt Nam cáo buộc cắt cáp của các tàu dân sự Bình Minh 02 và Viking2,
BBC Việt ngữ đã có cuộc trao đổi với một trong các sáng lập viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, Tiến sĩ Dương Danh Huy. Câu hỏi đầu tiên dành cho nhà nghiên cứu này là ông đánh giá ra sao về ý nghĩa thực của tuyên bố tập bắn đạn thật này trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng hiện nay?
Trong vòng hai tuần lễ, Trung Quốc bị cáo buộc có hành vi cắt cáp,đe dọa tàu VN và xâm phạm hải
phận láng giềng.
TS. Dương Danh Huy: Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam có chủ ý gửi thông điệp bằng cuộc tập bắn này. Tuy nhiên, họ cũng rất thận trọng khi gửi thông điệp đó, vì vùng tập bắn chỉ cách bờ biển đất liền Việt Nam vài chục hải lý, trong khi các sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh và phá thiết bị địa chấn tàu Viking xảy ra cách bờ biển đất liền Việt Nam 120 hải lý và hơn, và Việt Nam khẳng định quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.BBC: Là một nhà nghiên cứu thường muốn đưa ra các ý kiến mang tính học thuật, nhằm tư vấn cho giới làm chính sách, ông có thất vọng khi vấn đề tranh chấp Biển Đông đi vào hướng xung đột và không thể nào giải quyết bằng đàm phán trên cơ sở lịch sử nữa như báo The Economist ở Anh vừa có bài nhận định?
TS. Dương Danh Huy: Tất nhiên chúng ta ai cũng thất vọng, nhưng hướng xung đột là điều chúng tôi và nhiều người đã dự đoán. Với một nước mạnh vượt trội các nước khác vốn đòi hỏi phần lớn Biển Đông một cách bất chấp luật quốc tế, thì xung đột sẽ gia tăng cho đến khi hoặc là các nước nhỏ chịu thua, hoặc là các nước nhỏ đứng cùng với nhau và được thế giới ủng hộ.
Báo Economist đã lầm ở một điểm, vì tranh chấp biển thì phải được giải quyết trên cơ sở luật quốc tế và những nguyên tắc của luật quốc tế trong UNCLOS chứ không phải cơ sở lịch sử.
Tuy nhiên báo Economist đúng ở điểm khó có thể giải quyết bằng đàm phán, vì chủ trương của Trung Quốc là Trung Quốc không đàm phán về chủ quyền, họ muốn “gác tranh chấp, cùng khai thác”.
BBC: Sống ở Anh, nhóm Nghiên cứu Biển Đông của ông và các bạn đã làm gì để trao đổi tiếng nói về chủ đề này với giới học giả Trung Quốc, vì có vẻ như dư luận hai nước hoàn toàn không giao lưu, nên nguy cơ bùng phát xung đột có nhiều?
TS. Dương Danh Huy: Chúng tôi chưa có cơ hội để trao đổi với giới học giả Trung Quốc, nhưng chúng tôi đã đọc nhiều bài viết của họ. Nếu nói về “hai nước” thì Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng có mời các học giả Trung Quốc đến dự hội thảo quốc tế ở Việt Nam.
Quan điểm của chúng tôi nói riêng và quan điểm của các học giả Việt Nam nói chung về vấn đề không gian biển rất phù hợp với quan điểm của các học giả quốc tế. Còn học giả Trung Quốc thì khác.
Cho đến khi học giả Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có một quan điểm hợp lý, hợp pháp và công bằng hơn thì việc bùng phát xung đột sẽ không chỉ là nguy cơ mà còn là hệ quả tất nhiên.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí
thư ĐCS tiếp đoàn đại biểu quân
ủy Trung ương Trung Quốc tháng 4/2011.
Lũng đoạn, bị động?BBC: Có ý kiến từ Việt Nam tin rằng các nhóm quyền lợi cao cấp lũng đoạn đường lối đối ngoại của Hà Nội nên hệ thống này hoàn toàn bị động thời gian qua trước một chiến lược sâu rộng của Bắc Kinh, ông nghĩ sao?
TS. Dương Danh Huy: Tôi không rành về các nhóm quyền lợi trong nội bộ Việt Nam và cũng không muốn đoán về nguyên nhân. Về hiện tượng thì tôi thấy Việt Nam đã thiếu tích cực, thiếu chủ động trong việc bảo vệ Biển Đông trong nhiều năm, ít nhất là đến năm 2007, khi Trung Quốc ép hãng BP rút ra khỏi vùng Mộc Tinh, Hải Thạch.
Sau đó Việt Nam ngày càng trở thành tích cực hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn bị hạn chế vì ba yếu tố. Thứ nhất, Việt Nam vẫn còn phải đuổi theo Trung Quốc, là nước đã đi trước trong chiến lược về Biển Đông.
Thứ nhì, Việt Nam nhỏ và nghèo hơn cho nên không có những phương tiện mà Trung Quốc có. Thứ ba, ít nhất là cho đến sự kiện tàu Bình Minh 2, chính phủ Việt Nam vẫn còn bị ràng buộc bởi tiêu chí của họ là “cần giữ quan hệ tốt với Trung Quốc”.
Theo tôi, ai cũng muốn có quan hệ tốt, nhưng quan hệ tốt không nên hoàn toàn là tiên đề. Một phần của quan hệ thế nào phải là hệ quả của cách cư xử giữa hai bên.
BBC: Vẫn theo The Economist thì “Quy tắc ứng xử Biển Đông” do Asean và Trung Quốc đồng ý hồi 2002, coi như đã không còn ý nghĩa gì nữa, nếu thế thì cơ sở để tranh cãi giữa các bên nay là gì?
TS. Dương Danh Huy: Quy tắc ứng xử đó đã có hạn chế ngay từ đầu. Thứ nhất, nó không có tính ràng buộc pháp lý. Thứ nhì, nó không xác định tranh chấp bao gồm những gì.
Thứ ba, nó thiếu tính cụ thể, thí dụ như nó nói các bên sẽ tự kiềm chế không có hành động làm tranh chấp leo thang hay phức tạp thêm, nhưng chỉ liệt kê cụ thể là không chiếm đóng thêm các cấu trúc địa chất, còn bao nhiêu loại hành động khác thì nó không liệt kê.
Về cơ sở để tranh cãi giữa các bên thì gần đây Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines dựa nhiều về (công ước biển) UNCLOS, còn Trung Quốc thì dựa vào cách khẳng định bằng ngôn ngữ và hành động rằng chủ quyền là “của Trung Quốc” và tỏ ra mập mờ về cơ sở.
BBC: Dư luận cả ở Trung Quốc và Việt Nam, nhất là trên các trang mạng hô hào tinh thần dân tộc chủ nghĩa có vẻ như gây sức ép lên chính giới hai nước, làm tình hình leo thang?
TS. Dương Danh Huy: Theo tôi nghĩ, lằn ranh phân biệt “dân tộc chủ nghĩa” và “sự công bằng” là “lý lẽ”. Trong các sự kiện gần đây, tôi thấy phía Việt Nam đã đưa ra lý lẽ để nói rằng chủ quyền là “của Việt Nam”, thí dụ như (công ước) UNCLOS, vùng đặc quyền kinh tế, (hải phận) 200 hải lý, không thuộc tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Phía bên kia Biển Đông, Phlippines cũng đã đưa ra lý lẽ tương tự. Còn phía Trung Quốc thì khẳng định chủ quyền vùng tranh chấp là “của Trung Quốc”, nhưng không đưa ra lý lẽ.
BBC: Có bình luận tin rằng Philippines được Hoa Kỳ tin cậy và trao đổi nhiều thông tin hơn là Việt Nam về các bước đi của Trung Quốc, vì Việt Nam vẫn khác biệt với Hoa Kỳ về dân chủ và nhân quyền, theo ông điều này có đúng không, và hệ quả sẽ là gì?
TS. Dương Danh Huy: Tôi thấy không có hiện tượng để chứng minh cho quan điểm đó. Phlippines cũng bị động không kém gì Việt Nam.

Không có nhận xét nào: