24.9.11

Bộ Tài Chính dứt khoát không tăng giá xăng dầu


Bộ Tài Chính dứt khoát không tăng giá xăng dầu

2011-09-24
Sau khi Bộ Tài chính bác bỏ yêu cầu tăng giá xăng dầu do Petrolimex và lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị thì những cơ quan và doanh nghiệp này liên tục chỉ trích cơ chế điều hành giá của Bộ Tài chính.
RFA
Một trạm phục vụ xăng dầu ở Hà Nội

Vì 80 triệu dân

Trong cuộc hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở VN hiện nay” tổ chức tại Hà Nội diễn ra với sự chủ trì của Bộ trưởng Tài Chính Vương Đình Huệ nhiều bất ngờ đã xảy ra và dư luận đánh giá cao quyết tâm của ông Bộ trưởng trong việc công khai lời lỗ của Petrolimex cũng như kềm giữ giá xăng dầu vì quyền lợi của hơn 80 triệu người dân Việt Nam.
Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên tư vấn của Bộ Kế Hoạch Đầu Tư để tìm hiểu thêm về những chi tiết kỹ thuật trong vấn đề này, trước tiên TS Lê Đăng Doanh nhận xét:
TS Lê Đăng Doanh: Ông Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ dứt khoát đứng về phía 86 triệu người tiêu dùng chứ không đứng về một nhóm doanh nghiệp. Ổng yêu cầu phải có công khai, minh bạch, có hạch toán thật rõ từng sản phẩm, lỗ bao nhiêu, lãi bao nhiêu, xăng bao nhiêu, dầu bao nhiêu. Ông có một thái độ rất cương quyết trong những việc thiếu trách nhiệm, ông nói ông chịu trách nhiệm cá nhân. Điều này được dư luận và cá nhân tôi rất đồng tình.
000_Hkg4614188-250.jpg
Giá xăng tăng lên 19.300 đồng/lít vào ngày 24/2/2011, trước đó là 16.400 đồng /lít. AFP photo
Mặc Lâm: Thưa Tiến Sĩ, khi Bộ trưởng Tài Chánh Vương Đình Huệ đòi hỏi ông Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Petrolimex Bùi Ngọc Bảo phải tách ra từng mặt hàng để chiết tính lời lỗ của đơn vị này thì ông Bảo không thể trả lời được. Theo Tiến Sĩ thì việc này nói lên điều gì?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi rất lấy làm quan tâm và hoan nghênh việc ông Huệ đòi hỏi phải có sự hạch toán cụ thể từng mặt hàng, và tôi rất ngạc nhiên là ông TGĐ Petrolimex đã không trả lời được. Và ông Huệ khăng khăng đòi hỏi là phải có sự hạch toán cụ thể, bởi vì khi chúng ta vào cây xăng thì chúng ta thấy xăng bán một kênh, dầu bán một kênh, và nhập vào cũng vậy: bơm dầu vào một bể khác, bơm xăng vào một bể khác.
Nhập về thì xăng dầu cũng khác nhau. Vậy tại sao lại không hạch toán được? Điều ấy tôi cũng không thể giải thích được. Tôi nghĩ rằng việc này hoàn toàn có thể giải thích được và làm rõ được; đấy không phải là một khó khăn về kỹ thuật, về hạch toán, mà có lẽ ở đây nó là một vấn đề gì đấy chưa giải quyết được mà thôi.
Mặc Lâm: Thưa, ông Bùi Ngọc Bảo cũng nói rằng với chính sách tài chánh hiện thành buộc các doanh nghiệp xăng dầu nộp ngân sách cho nhà nước là rất lớn. Ông ấy chứng minh là năm 2008 Petrolimex lỗ 10 ngàn tỉ nhưng vẫn phải nộp ngân sách tới 16 ngàn tỉ, phải chăng việc nộp ngân sách quá lớn này đã làm cho cho doanh nghiệp bị lỗ lã nặng bao năm qua như lời than phiền của họ hay không ạ?
Ông Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ dứt khoát đứng về phía 86 triệu người tiêu dùng chứ không đứng về một nhóm doanh nghiệp.
TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh: Hoàn toàn không phải như vậy! Bởi vì trong cơ cấu giá xăng dầu có phần giá cơ bản và giá nhập khẩu tính theo tỷ giá, sau đó cộng vào như tất cả các nước trên thế giới đều có tính thuế xăng dầu, rồi phí cầu đường, rồi quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng, v.v…
Tất cả cơ cấu đó mọi người đều biết, cho nên bán 1 lít xăng dầu thì phải nộp cho nhà nước chừng nào tiền. Điều ấy cũng là một điều rõ. Còn khi mà Petrolimex kêu lỗ tức là cái phần giá còn lại giá bán của Petrolimex thì đáp ứng không đủ bù đắp được các khoản chi phí về quản lý, về kinh doanh, về hạch toán tỷ giá thì đó là hạch toán riêng, chứ còn phần quy định là phải nộp vào ngân sách thì phần tự động phải nộp vào cho Bộ Tài Chính. Cho nên hai phần đó, theo tôi, là không lẫn lộn và cũng không thể hoán đổi cho nhau được.
Như chúng ta đã biết là công ty xăng dầu Petrolimex hiện nay chiếm 60% tổng nhập khẩu xăng dầu Việt Nam, tức là chiếm vị thế thống lĩnh thị trường, và thường xuyên kêu lỗ, nhưng đến khi cổ phần hóa và phải bán cổ phiếu cho nhà đầu tư thì lại công bố là lãi to. Thế thì người tiêu dùng, công luận không biết thế nào. Cho nên chúng tôi hoan nghênh thái độ của ông Bộ trưởng Bộ Tài Chính. Thứ hai nữa tôi cũng hoan nghênh việc hai Bộ bộc lộ rõ quan điểm của mình trước công luận và tôi rất mong cuộc tranh luận này sẽ được tiếp tục với những cái chứng minh thực tế, với những quyết định thực tế để làm sao đáp ứng được yêu cầu của đất nước là xăng dầu phải được kinh doanh một cách công khai, minh bạch, và tránh lợi ích nhóm.

Kiềm chế lạm phát

Nhan-vien-xang-dau-250.jpg
Một cây xăng ở Hà Nội chụp hôm 21/9/2011 của Tổng công ty xăng dầu Petrolimex. RFA photo
Mặc Lâm: Bộ trưởng Tài Chánh đã khẳng định việc giảm giá xăng dầu cũng là cơ sở để chỉ số CPI giảm hầu khống chế lạm phát. Theo Tiến Sĩ thì lý thuyết này có thích hợp với tình hình hiện nay hay không và liệu nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam có đủ mạnh để bao cấp giá xăng dầu mãi hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Giá xăng dầu đóng góp rất quan trọng vào mặt bằng giá chung của xã hội bởi vì thông qua giá xăng dầu thì giá quả trứng, giá mớ rau, giá taxi và giá vé máy bay đều bị tác động hết. Cho nên nếu như giảm được giá xuống thì các mặt bằng giá khác sẽ cũng được tác động giảm theo. Nếu nâng giá xăng dầu lên như hai lần nâng hồi đầu năm tổng cộng tăng 30% thì lạm phát rất là lớn. Đấy là điều tự nhiên.
Còn từ nay cho đến cuối năm có giữ được giá xăng dầu này hay không thì nó còn tùy thuộc vào giá xăng dầu quốc tế. Theo như xu hướng hiện nay thì giá xăng dầu trong mấy tháng sắp tới đây cũng chưa thấy có dự báo nào cho rằng giá xăng dầu sẽ tăng cao, cho nên tôi nghĩ rằng nếu giá xăng dầu quốc tế không tăng cao thì với nỗ lực như vậy có thể giá xăng dầu giữ ổn định, hoặc nếu giá xăng dầu giảm thì sẽ đóng góp rất lớn vào việc giảm lạm phát.
Nếu nâng giá xăng dầu lên như hai lần nâng hồi đầu năm tổng cộng tăng 30% thì lạm phát rất là lớn.
TS Lê Đăng Doanh
Mặc Lâm: Dư luận đã tỏ ra phấn khởi khi ông Bộ Trưởng tuyên bố rằng hơn 10 năm ông làm việc với tư cách Tổng kiểm toán nhà nước ông cũng đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu, vì vậy Bộ tài chính không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân. Đây có vẻ là một lời tuyên chiến mạnh mẽ với các nhóm lợi ích, đặc biệt trong lĩnh vực xăng dầu, tuy nhiên dư luận rất lo ngại vì không biết ông Bộ Trưởng có đủ tiềm lực để làm một việc rất khó khăn này hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Trước hết là tôi hoan nghênh tuyên bố đó của ông Vương Đình Huệ và tôi cũng đánh giá cao việc ông Vương Đình Huệ đã có nỗ lực đầu tiên để vận dụng kinh nghiệm hiểu biết của mình từ công việc kiểm toán các doanh nghiệp xăng dầu, vận dụng vào việc quản lý giá xăng dầu trong thời gian tới đây.
Còn việc ông Vương Đình Huệ có thành công được hay không, hay là còn có cái lợi ích nhóm có thể mạnh hơn thì tôi hy vọng là với sự ủng hộ mạnh mẽ của công luận và của quần chúng thì kỳ này có thể hé mở ra khả năng giá xăng dầu sẽ được công khai, minh bạch. Và cái lợi ích của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn so với những thời kỳ trước đây. Và nếu làm được như vậy thì sự đóng góp của ông Vương Đình Huệ sẽ được công luận ghi nhận trong lịch sử của ngành xăng dầu Việt Nam.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: