27.7.12

Dựng Bia Tưởng Niệm Liệt Sĩ VNQDĐ tại Guyane, Nam Mỹ (4)


Dựng Bia Tưởng Niệm Liệt Sĩ VNQDĐ tại Guyane, Nam Mỹ (4)

Cách đây 80 năm, ngày 10-02-1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng bằng chính sức mạnh của dân tộc mình đứng lên Tổng Khởi Nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Cuộc Tổng Khởi Nghĩa thất bại hàng ngàn đảng viên ưu tú đã bị bắt và bị đày đi côn đảo… Trong đó có một vùng côn đảo xa xôi tận Nam Mỹ gọi là Guyane thuộc Pháp đã lưu đày biệt xứ 325 chiến sĩ Yên Bái và những anh hùng dân tộc này đã vĩnh viễn nằm xuống chốn rừng sâu Amazone. Nhân dịp 80 năm tưởng niệm ngày Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ (1930-2010)  Phái đoàn VNQDĐ đã thể hiện tưởng niệm Tổng Khởi Nghĩa một cách cụ thể bằng cách đến Guyane, Nam Mỹ để dựng bia tưởng niệm 525 anh hùng dân tộc, trong đó có 325 anh hùng VNQDĐ đã bị lưu đày biệt xứ và vĩnh viễn nằm lại nơi đây….Mời quý vị đọc 5 bài phóng sự đặc biệt của trang nhà http://www.vietquoc.org  Bài 4: Vào nhà lao An Nam Dựng Bia Tưởng Niệm

Phái đoàn Việt Nam Quốc Dân Đảng đi dựng bia tưởng niệm
những nhà yêu nước tại Guyane, Nam Mỹ
(Phóng sự đặc biệt – bài 4)
Lời mở đầu: một loạt bài phóng sự của anh Lê Hoành Sơn, người cùng phái đoàn “dựng bia tưởng niệm 525 nhà yêu nước Việt Nam” tại Guyane, Nam Mỹ, Những anh hùng dân tộc này đã bị lưu đày biệt xứ đến vùng rừng thiêng nước độc của rừng thuộc rặng Amazone tháng 5/1931, đã bỏ mình nơi xứ lạ quê người…79 năm qua họ bị bỏ quên, không một mộ bia, không một nén hương, không một lời cầu nguyện v.v…Ngày 30-01-2010 phái đoàn VNQDĐ đã đến dựng bia tưởng niệm cho các anh hùng Việt Nam đã bỏ mình cho nền độc lập của dân tộc đặc biệt các liệt sĩ VNQDĐ sau cuộc Tổng Khởi Nghiã Yên Bái 10/02/1930 do VNQDĐ lãnh đạo. Bài 4
Vào Nhà Lao An Nam dựng bia tưởng niệm
Ngày thứ Sáu (29-01-2010), nghe đài khí tượng dự báo thứ Bảy trời mưa, chúng tôi phải thay đổi chương trình vì ngày mai trời mưa không đổ móng bia bằng xi-măng được, lợi dụng hôm nay trời tốt phải vào trước để đổ móng chuẩn bị trước cho lễ dựng bia tưởng niệm ngày thứ Bảy, còn không thì hỏng việc.
Trên đường rừng lầy lội 4 cây số khó đi như đã nói ở trên, mỗi anh em phải mang hai bao xi-măng nặng 20 lbs  và túi đeo lưng và phải khuân vác thêm chân bia, sườn bia, cuốc, xẻng và những dụng cụ để làm móng dựng bia. Mặc dù vất vã nhưng anh em ai cũng hăng say, vui vẻ, cố gắng hết mình vì biết mình đang làm một việc đầy ý nghĩa. Riêng anh Phục Việt tình nguyện đội tấm bia lên đầu nặng 35 lbs vượt hơn 4 cây số đường rừng lầy lội, nhiều lần bị té ngã làm tung mất mất máy chụp hình, nhưng ngã rồi dậy đi…anh em mỗi người một tay phụ nhau mang tấm bia và những vật dụng cần thiết để dựng bia đến Nhà Lao An Nam.
Ở đây chúng tôi chứng kiến một việc làm cũng khó quên, trong đoàn người đi dựng bia đạo Phật, đạo Tin Lành, đạo Công Giáo đều có hết, nhưng đều đồng thuận một điểm là phải cầu xin vong linh các cụ cho phép đặt tấm bia nơi nào thì đặt nơi đó, xin xăm theo phương pháp cổ truyền “thẩy hai đồng tiền súp ngửa”. Có ba địa điểm được anh em chọn: Thứ nhất là ngay khi bước chân đến Nhà Lao An Nam, thứ hai là trước khi bước vào chuồng cọp, và thứ ba là sau khi đã đi hết chuồng cọp. Xin phép các cụ cho đặt chỗ nào bằng cách “thẩy hai đồng tiền súp ngửa”… có nghĩa là sau khi thẩy hai đồng tiền, nếu cả hai đều cùng mặt súp hay mặt ngửa thì các cụ không đồng ý, nếu một mặt súp và một mặt ngửa thì các cụ đồng ý, nếu có sự đồng ý của các cụ thì đoàn người dựng bia mới thấy an tâm thanh thản.
Để áp dụng phương pháp “thẩy hai đồng tiền súp ngửa” này, anh Lê Thành Nhân thắp hương khấn nguyện rằng: “Theo đảng trưởng Nguyễn Thái Học thì chúng ta sinh hoạt dân chủ, vong hồn các đồng chí tiên liệt về đây cũng theo sinh hoạt dân chủ của Đảng, chúng tôi dùng phương pháp thẩy hai đồng tiền sấp ngửa mong các đồng chí tiên liệt cho chúng tôi biết vị trí nào các đồng chí muốn đặt tấm bia tưởng niệm. Vị trí bắt đầu vào Nhà Lao là số 1, vị trí trước khi vào chuồng cọp là số 2, và vị trí sau khi đi hết chuồng cọp là số 3, mỗi vị trí chúng tôi sẽ thẩy 3 lần và xin vong linh quý đồng chí tiên liệt linh thiêng chỉ dẫn”
Sau ba lần thẩy cho mỗi vị trí, thì vị trí số 1 và 3 có sự đồng ý ngang nhau, và vị trí thứ 2 hoàn toàn không đồng ý. Lại một lần nữa khấn vái chỉ còn hai vị trí 1 và 3 để lấy chung kết….cuối cùng vị trí thứ 3 đồng ý 100%. Và chúng tôi khởi đầu dựng tấm bia tưởng niệm tại vị trí số 3 tức la sau khi đã đi hết chuồng cọp.
dalx
Bàn bạc để đi thăm Suối Lươn (Crique Anguille)
Không ai bảo ai, mỗi người tự động một việc, người thì đi lấy nước dưới suối để trộn xi-măng, người đi đập đá nhỏ ra để trộn chung vào xi-măng cho chắt chắn, người thì đào lỗ, người thì ráp bia… ai nấy dù mệt nhưng làm việc vô cùng hăng say và vui vẻ…trong lúc làm việc anh Hoàng Linh lúc nào cũng pha trò làm tiếng cười vang ra cả góc rừng Amazone, quên đi những nhọc nhằn, nhờ vậy cảm thấy công việc tiến hành nhanh…trong đoàn anh em trẻ một người có một năng khiếu chuyên biệt, Phục Việt nghề xây cất, Tâm Thiện rành lắp ráp, Hoàng Linh rành về đập đá, Quý An và Chí Linh rành trang hoàng ….chẳng bao lâu tấm bia đã dựng lên rất đẹp và bề thế trên sân chuồng cọp, nơi đã hành hạ các nhà yêu nước, giờ này lớp hậu thế  đến đây dựng bia suy tôn các NGƯỜI  là anh hùng dân tộc, là chí sĩ yêu nước bị lưu đày bỏ mình nơi đây, tổ quốc ghi ơn, đồng bào tưởng nhớ, và chắc chắn trong những ngày qua người dân Guyane cũng ngưỡng mộ khi nghe các qua cơ quan truyền thông báo chí loan tải về thân thế của người tù Nhà Lao An Nam…Tấm bia đồng được khắc bằng ba thứ tiếng Việt-Pháp-Anh để cho du khách bất cứ quốc gia nào đến đây đều đọc được  rằng chuồng cọp này là chứng tích tội ác những người tù chính trị và đó là những anh hùng dân tộc Việt Nam một xứ thuộc địa dưới chế độ thực dân  Pháp xâm lược. Nội dung tấm bia như sau:
VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG (V.N.Q.D.Đ)
Đời đời ghi ơn các đồng chí, những anh hùng dân tộc chiến đấu cho nền độc lập Việt Nam, đã bị lưu đày và bỏ mình nơi đây sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy
ngày 10-02-1930 do V.N.Q.D.Đ lãnh đạo.
Tổ quốc ghi ơn
Đồng bào tưởng nhớ
LE PARTI NATIONALISTE DU VIET-NAM (V.N.Q.D.Đ)
à jamais reconnaissant envers tous ses camarades, héros du peuple, luttant pour l’Indépendance de la Patrie, exilés à perpétuité et ayant perdu âme et corps en cette terre, après le soulèvement général de la Révolte à Yên-Báy,
le 10 Février 1930, sous la direction du V.N.Q.D.Đ
Toute la Patrie reconnaissante.
Le Peuple entier commémorant.
VIETNAMESE NATIONALIST PARTY (V.N.Q.D.Đ)
Engraved deeply on your comrades’ memory, the heroes of Vietnam, who made an uprising which was led by the V.N.Q.D.Đ in Yên Báy on February 10, 1930 and sacrificed their lives at Annamite Prison, French Guiane for National Independence
Comrades of Vietnamese Nationalist Party
Vietnamese People Memory
Montsinéry-Tonnegrande,  29-01-2010
Trung Ương Việt Nam Quốc Dân Đảng
http://www.vietquoc.org
tambia
Tấm bia tưởng niệm được dựng lên tại nhà lao An Nam lúc 2:45 chiều ngày 29-01-2010
Đoàn người bắt đầu đi lúc 9:00 sáng, bây giờ là 3:00 chiều công việc dựng bia đã hoàn tất, anh em muốn đến xem Suối Lươn (Crique Anguille), nơi đó xương máu, mồ hôi, nước mắt của những nhà ái quốc Việt Nam đã đổ xuống hằng giờ… nơi chứa chất biết bao cực hình của chế độ thực dân, ở đó có đường rây nối liền với Nhà Lao An Nam mà các cụ hằng ngày phải gồng sức đẩy chiếc wagon quá tải lăn bánh sắt trên hai đường rây mang những sản phẩm của mình làm ra từ  Suối Lươn đến sân Nhà Lao An Nam dài 3 cây số để nộp cho cai tù và chúa ngục đúng chỉ tiêu, chất lượng mà chúng đã quy định. Nếu thiếu thì cai ngục cho chó cắn đến ngất xỉu hoặc treo ngược đầu dùng roi đánh cho đến bất tỉnh, và nếu lỡ đánh nặng tay bị chết thì thân xác các cụ bị đem đi làm mồi để săn cọp, hoặc săn cá sấu… Nhà Lao An Nam nơi chứa chất bao nhiêu tủi nhục, uất hận, căm hờn của người tù yêu nước Việt Nam. Có ai biết chăng tội ác này bao giờ thực dân mới trả và trả bằng cách nào?
Từ Nhà Lao đến Suối Lươn cũng đường rừng, chúng tôi đi chừng 40 phút là đến Suối Lươn, trên đường đi thấy dấu tích còn sót lại mấy cây cầu nhỏ, móng cầu được đúc bằng bê tông, đây cũng công sức của các cụ xây dựng lên làm phương tiện cho thực dân bóc lột. Chúng tôi muốn đến xem Suối Lươn ra sao và đặc biệt xem con lươn điện như thế nào?
suoi luon
Anh em đang đứng bên bờ Suối Lươn chiều
ngày 29-01-2010
Thực ra Suối Lươn chỉ là một dòng suối của rừng Amazone, chiều rộng chừng 20 mét, nước mùa mưa sâu ngang ngực người lớn, nước chảy mạnh và dưới suối có loại lươn điện rất nguy hiểm, chúng tôi không nhìn thấy được con lươn điện, sau này gặp bà cụ người Việt từng sống ở Guyane gần 35 năm có biệt danh là “Nữ Chúa Rừng Amazone” nói là bà đã thấy con lương điện hai lần, dài chừng 2 feet (24 inches) một lần nó chết và một lần còn sống. Khi chết thì không sao, nhưng khi nó còn sống thì  hễ rờ vào là nó phát điện cực mạnh giật mình té ngửa. Có lẽ cách đây 79 năm thì giống này còn nhiều, giờ đây sợ nguy hiểm cho cư dân sống ở đó nên giống lương này cũng bị lùng bắt và tiêu diệt, nếu có còn lại cũng rất hiếm.
Chúng tôi trở về trời nhá nhem tối, lại một màn cầu nguyện các cụ để phù hộ cho anh Phục Việt tìm được máy chụp hình, vì trong đó có nhiều hình ảnh lưu trữ mấy ngày qua, may mắm lời cầu nguyện được chứng giám, trong lúc nhá nhem tối chúng tôi đã tìm lại được chiếc máy chụp hình nhỏ màu đen nằm vắt trên cành cây, thật là một điều kỳ diệu hy hữu.

Không có nhận xét nào: